Xem thêm giai thoại: Ai về Chiêm quốc hộ Huyền Trân?
Tập san BAVH (2) ghi như sau:1)-Ngọc Liên: [Mẹ là hoàng hậu(3)] Vợ của Nguyễn Phúc Vinh,con trưởng của Mạc Cảnh Huống, phó tướng, trấn thủ Trấn Biên,về sau đổi là Nguyễn Hữu Vinh.(4)
2)-Ngọc Vạn: (Mẹ là hoàng hậu) Không để lại dấu tích.
3)-Ngọc Khoa:Mẹ là hoàng hậu) Không để lại dấu tích.
4)-Ngọc Đỉnh: (không rõ mẹ là ai) Lấy Nguyễn Cửu Kiều, Nghĩa Quận công, con của Lê Quảng, tước Quận công(4). Bà mất năm Giáp Tý (1684).
Từ khi “Nguyễn Phúc tộc Thế phả” được xuất bản tại Huế (1995)thì tiểu sử hai công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa mới được công bố rõ ràng :
- Nguyễn Phúc Ngọc Vạn (con gái thứ hai của Sãi vương) Năm Canh Thân(1620 ) bà được Đức Hy Tông (Sãi vương) gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II.Về sau nể tình bà,vua Chân Lạp cho người Việt lập một dinh điền tại Mô Xoài (Bà Rịa ngày nay).
- Nguyễn Phúc Ngọc Khoa (con gái thứ ba của Sãi vương) Năm Tân Mùi (1631) bà được Đức Hy Tông gả cho vua Chiêm Thành là PôRôMê.Nhờ có cuộc hôn phối nầy mà tình giao hảo giữa hai nước Việt Chiêm được tốt đẹp
Sách “Dân tộc Chàm lược sử” cũng có ghi chép về cuộc hôn phối Việt Chiêm nầy.
Sau khi “Nguyễn Phúc tộc Thế phả”được phát hành và sau khi đài truyền hình VTV ở Sài Gòn chiếu phim “Thời gian vĩnh cửu”(1996) - phim do đài truyền hình CV21 của Nhật và đài VTV của Việt Nam phối hợp thực hiện – thì năm 1997, trong sách Hội An do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, ở chương 3 mục 1”Hai người đàn bà Hội An ở Nhật Bản”, tác giả Nguyễn Văn Xuân viết:”Sotaro, âm là Mộc Thôn Tông Thái Lang. Dòng họ nầy rất giàu có và đã sang ở Hôi An rất sớm,bằng cớ còn lưu lại là một bức thư ngắn bằng chữ nôm gởi cho chúa Nguyễn. Mộc Thôn là chủ một chiếc tàu riêng.Ông cư trú tại đây làm ăn và gây nhiều cảm tình mật thiết với chúa Nguyễn Phúc Nguyên.Ông được chúa Nguyễn tin cậy, giao cho nhiều trọng trách ở Hội An.Vào năm 1619 chúa Nguyễn lập cho ông một tờ thư xác nhận ông đã tự nguyện ở dưới gối (tức là làm chức quan trung thành với chúa ) Sau đó chúa cho ông lấy họ Nguyễn tên Đại Lương, cự danh Hiển Hùng.Chúa cũng mưu sự giao thông lâu dài ,tốt đẹp với Nhật Bản nên gả con gái là Ngọc Khoa cho ông.(cf Trần Gia Phụng/Ai đưa công chúa sang ngang)
Trên “Đặc san Quảng Đà”năm Mậu Dần 1998 do nhà xuất bản Sông Thu ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ xuất bản tháng 6/1998, trong bài”Những nét đại cương về thành phố Hội An, mục”Hội An và giai thọai công chúa Ngọc Khoa”đưa ra cả hai thuyết về công chúa Ngọc Khoa như sau:
1.-Công chúa đã kết hôn với vua Chăm Pa là Po Ro Mê.
-2-
2.-Công chúa kết hôn với một thương khách người Nhật Bản đến buôn bán nhiều năm tại Hôi An (1603 – 1619) tên là Araki Sotaro, tên Việt là Nguyễn Đại Lương. Bà đã theo chồng về Nhật năm 1620,gặp lúc Nhật cấm tàu buôn xuất dương,đành ở lại Nagasaki, lấy tên Nhật là Okakutome,gọi thân mật là Anio. Họ sinh hạ được một người con gái,đặt tên là Yasu. Sotaro qua đời năm 1636 và công chúa Ngọc Khoa cũng mất vào năm 1645;ngôi mộ của hai người đươc chôn cất trong khuôn viên chùa Daionji, nơi họ đã bỏ công sức xây cất và trùng tu. (Trần Gia Phụng/Ai đưa công chúa sang ngang).
Trong bài viết trích dẫn trên, tác giả Trần Gia Phụng lập luận rằng bà vợ của thương nhân Sotaro chắc chắn không thể là công nữ Ngọc Khoa. Nhưng Trần Gia Phụng không xác định bà vợ đó là ai.Ông chỉ phỏng đoán rằng:
1.-Vì muốn tăng giá trị của người đàn bà ông yêu mến, Sataro có thể nói với gia đình hoặc với bà con rằng vợ của ông là công chúa hay gì đi nữa, làm sao ai biết được?
2.-Bà vợ của Sataro có thể là một người bà con trong dòng họ Nguyễn Phúc,có thể đã được Nguyễn Phúc Nguyên, khi ông còn là hoàng tử trấn nhậm ở Quảng Nam, tác thành cho hai bên lập gia đình với nhau. Biết đâu Nguyễn Phúc Nguyên nhận người đàn bà nầy làm con nuôi trong gia đình để làm tăng giá trị của cuộc hôn nhân? Dù thế nào đây cũng là một điều lý thú có thể nghiên cứu thêm bằng những tài liệu về phía Nhật Bản (Trần Gia Phụng/bài đã dẫn).
Nhận xét:
1)- Về phiên âm tên Araki Sotaro: taro âm Hán Việt là thái lang.Theo phong tục Nhật Bản, thái lang là tên đặt cho người con trai trưởng.(Có vài tài liệu ghi là Sataro Araki ,đó là ghi theo kiểu người Âu, tên trước, họ sau).Tên Việt Nam của Sataro là Nguyễn Thái Lang, có lẽ là dựa theo chữ taro .Có vài tác giả gọi là Nguyễn Đại Lương, chắc là do nhầm lẫn vì chữ Thái và chữ Đại (Hán tự) chỉ khác nhau cái dấu chấm, còn chữ Lương là phần bên trái của chữ Lang. Araki Sotaro đọc theo âm Hán Việt là Hoang Mộc Tông Thái Lang.Tác giả Nguyễn Văn Xuân phiên âm là Mộc Thôn Tông Thái Lang e không đúng (Mộc thôn = Kimura)2.- Như trên đã nói,tác giả Trần Gia Phụng phỏng đoán vợ của Sotaro có thể là một người con nuôi và ông gợi ý phải nghiên cứu thêm những tài liệu về phía Nhật Bản.Có lẽ ông muốn nói đến bản dịch bộ sách”Hòa văn ngọai thiên thông thư”(trong đó ghi chép những liên hệ của người Nhật đến buôn bán ở Hội An từ năm1559 đến 1674, kể cả câuchuyện của Sataro) mà ta chưa có.
Trong một bài viết của ông Đỗ Thông Minh, một cựu du học sinh ở Nhật Bản nhan đề là “Người Việt Nam đầu tiên ở Nhật Bản” tác giả có nhắc đến cuốn”Những Samurai của biển”(Umi no Samuraitachi)do Ichiro Shiaishi viết có ghi chép về cuộc hôn nhân Nhật Việt nầy. Chúng ta chờ đợi những phát hiện mới từ phía những tài liệu Nhật Bản nầy.
3)-Cũng trong bài viết”Người Việt Nam đầu tiên ở Nhật Bản”, tác giả ghi rõ ràng….”Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Hoa ,còn có tên là Vương Gia Cửu là người Việt đầu tiên đến định cư ở Nhật Bản.
Một tác giả khác, ông Mai Thanh Hải, trong cuốn”Chuyện kín cấm thành”(nhà xuất bản Văn Hóa Thông TinVN, 2008), trong chương”Lấy chồng ngọai quốc”, trang 16 viết rằng…..”…Chúa Nguyễn Phúc Nguyên có 5 con gái, cô lớn tên là Ngọc Liên,…..cô út là Ngọc Đỉnh….còn lại ba con gái nữa…..công nữ Ngọc Vạn gả cho vua Chân Lạp,…công nữ Ngọc Khoa gả cho vua Chăm Pa là PôRôMê,và công nữ Ngọc Hoa gả
-3-
cho một thân vương Nhật Bản đứng đầu các doanh nhân sang làm ăn buôn bán ở cửa biển Hội An.(Bà Ngọc Hoa không để lại tư liệu, hồi ức nào)”
Còn nữa, Việt Sử Giai Thọai có dẫn lời của cụ Đào Trinh Nhất(5),cho biết Chúa Nguyễn Phúc Nguyên có 5 con gái theo thứ tự là Ngọc Liên, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, Ngọc Đỉnh và Ngọc Hoa.
Không ai trong 3 tác giả trên cho biết xuất xứ của thông tin trên cho nên ta không biết cái tên Ngọc Hoa lấy ở đâu ra.
Thế còn BAVH thì sao?
BAVH năm 1933, cuốn 4 trang 268 , trong bài “Carnet d’un collectionneur”(sổ tay của một nhà sưu tập), đoạn nói về những vùng có kiều dân Nhật bản xưa ở Đông Dương(Anciennes colonies japonaises en Indochine) chép như sau:
Parmi les armateurs japonais qui commerçaient avec l’Indochine, au XVIIe siècle, il convient plus spécialement de retenir les noms dedeux d’entre eux qui commerçaient avec l’Annam : Araki Sôtarô et Shichirôbei Eikechi.
Sôtarô avait épousé en 1620, une jeune fille de la famille royale de Cochinchine. Elle s’appelait Amô et suivit son mari au Japon. Lorsque l’édit du Shogun interdit, en 1636, toute sortie du Japon des sujets japonais, ou toute entrée de ceux qui s’étaient expatriés, elle était encore dans ce pays.Elle mourut en 1645. Elle est enterrée au temple Daion-ji àNagasaki, et les descendants de son mari conservent un miroir qu’elle avait apporté d’Annam (1).
(Trong số chủ tàu buôn Nhật Bản giao thương với Đông Dươngvào thế kỷ 17,đặc biệt ghi nhận hai người trong số họ đã buôn bán với An Nam: Araki Sotaro và Shichirôbei Eikechi.
Vào năm 1620,Sotaro kết hôn với một tiểu thư thuộc hoàng gia….
BAVH không hề nhắc đến cái tên Ngọc Hoa , cũng không khẳng định tiểu thư đó là con gái của Chúa Nguyễn, mà chỉ nói chung chung :thuộc hoàng gia….
Trở lại thông tin của tác giả Mai Thanh Hải “Bà Ngọc Hoa không để lại tư liệu, hồi ức nào”, nếu ta hiểu ý ông muốn nói là “bà vợ VN của Sotaro không để lại tư liệu, hồi ức nào’’ thì e không đúng. Bởi vì qua những tài liệu đã phổ biến, ta đã nghe nói đôi điều về bà: -
Bà là con của chúa Sãi,(hoặc là người trong hoàng gia) năm 1619 được gả cho một thương nhân Nhật Bản tên là Araki Sotaro.
- Bà có tên Nhật là Wakaku, tên thân mật là Anio.
- Bà theo chồng về Nhật năm 1620,định cư ở Nagasaki.
- Bà mất năm 1645, sống lâu hơn chồng 10(hay 9?)năm và - thật hi hữu – bà chết cùng ngày cùng tháng với chồng.
- Bia mộ chung của hai ông bà được chôn ở chùa Đại Âm Tự(Daionji), Nagasaki. -
Hai người có một con gái tên là Yasu (Gia Tu).
- Viện Bảo tàng Nghệ thuật Nagasaki còn lưu trữ chiếc gương soi của bà.
- Hằng năm từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 10, trong lễ hội Okunchi ở Nagasaki có một màn đám rước do hai em bé đóng vai Sotaro và Wakaku đứng trên mũi một chiếc thuyền buôn. (Okunchi là một lễ lớn, là niềm tự hào của Nagasaki).
-4-
Những điều nghe nói đó nay đã được tác giả Trương Văn Tân làm sáng tỏ thêm qua một bài ký sự viết sau lần trở lại thăm viếng Nhật Bản gần đây. Thiên ký sự (với hình ảnh minh họa) có tên là:”Một thoáng Phù tang”Trong đọan nói về “Nàng công nương họ Nguyễn” tác giả viết như sau:”…Tôi đi xe điện tìm đến con đường lịch sử Teramachi-dori( đường Xóm Chùa). Ở giữa con đường Xóm Chùa là Đại Âm Tự (Daionji). Ngôi chùa nầy có ít nhiều liên hệ đến Việt Nam. Phía sau ngôi chùa là một nghĩa trang lâu đời dọc theo triền núi, có hàng ngàn, hàng chục ngàn ngôi mộ chôn hài cốt của giai cấp quí tộc và giai cấp võ sĩ “samurai” vài trăm năm trước. …..
Tôi đến thăm chùa với mục đích tìm ngôi mộ của một vị công nương Việt Nam, concủa Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên được gả về Nagasaki năm 1619, kết hôn với Araki Sotaro(Hoang Mộc Tông Thái Lang), một thương nhân nổi tiếng đương thời và cũng là nhà hàng hải kiệt xuất thuộc dòng dõi samurai …Trước cổng mộ thành phố Nagasaki có dựng một bảng tóm tắt tiểu sử của ông Araki Sotaro và và người vợ, một công nương Việt Nam với cái tên Nhật Wakaku(Vương Gia Cửu)…..Tôi tìm hiểu thêm về mộ phần của Araki Sotaro qua thông tin trên trang sao chụp từ sách tài liệu của nhà chùa. Được biết, Araki Sotaro sau khi thành hôn với công nương Wakaku đã tự đặt thêm một cái tên Việt Nam là Nguyễn Thái Lang. Công nương Wakaku nổi tiếng và được người dân Nagasaki gọi bằng cái tên thân mật là Anio-san……Công nương mất năm 1645, như vậy bà sống ở Nhật 26 năm, được ban pháp danh là Diệu Tâm, một pháp danh rất Việt Nam. Cũng theo trang thông tin nầy, hơn hai trăm năm sau, vào thời Minh Trị, mộ phần của Araki Sotaro và Anio-san đã được con cháu đời thứ 13 cải táng và mộ phần hiện tại chỉ có đời thứ 3, thứ 12, 13 và 14(Araki Sotaro là đời thứ 1)
Đọc bảng tiểu sử và tìm hiểu phần tiếng Nhật trên đó tôi có nhận xét sau:
-Phần tiếng Nhật: về lai lịch,bảng tiểu sử ghi:”Vương Gia Cửu, một người con gái bà con bên ngọai của Quốc vương An Nam. Chính quyền Nagasaki đã dùng chữ musume =người con gái (thường)chứ không dùng chữ hime(chữ nầy dùng để chỉ con gái của tướng quân Nhật, vợ tướng quân Nhật hoặc dùng để dịch chữ “Princess”). -
-Phần tiếng Anh: Ở đọan viết bằng tiếng Anh, chữ relative được dùng để chỉ liên hệ giữa công nương Wakaku và quốc vương An Nam , chứ không phải dùng chữ daughter (During a trip to An Nam (Viet Nam) in 1619 Araki Sotaro was betrothed to Wakaku, a relative of the King of An Nam).
Tôi bắt đầu tin rằng công nữ Wakaku chỉ là con nuôi của Chúa Sãi. Mãi đến khi tôi tình cờ tìm được một tài liệu của Hội Hữu Nghị Nagasaki – Việt Nam (Nagasaki-Việt Nam Frienship Association) thì sự thật đã sáng tỏ:
-5-
Bảng tiểu sử ông Araki Sotaro và vị công nương Việt Nam do thành phố Nagasaki dựng lên (hình của Trương Văn Tân)
Trong bài Sotaro Araki and Princess Anio (của Hội Hữu Nghị Nagasaki-VietNam) có đọan sau:
There was a man in Nagasaki, Sotaro ARAKI, who lived from the late 16th century to the early 17th century. At first he was a samurai in Kumamoto not far south of Nagasaki, and moved to Nagasaki in 1588 and started living there on an estate. Japanese were quite active in those days, going down south and building many Japanese towns in Southeast Asia.
- Sotaro, getting aboard a goshuin-sen (officially-licensed trading ship), went to visit the Philippines, Vietnam, Thailand, Cambodia and was said to have acquired a vast fortune from trade. In 1619 in what is now Hue, he met and married Wakaku, a woman of maternal bloodline of the Vietnamese King who adopted her as a daughter. Sotaro went home with his new bride, and built an emporium (trading house) in Motoshikkui-machi in Nagasaki. He was surely the first Japanese to have an international marriage and came back to Japan with a King’s daughter, albeit an adopted one. Princess Wakaku, while living in Nagasaki, was called Ani-o-san and was well-liked by the Nagasaki citizens…
- Xin tạm dịch đọan cần thiết:…”Năm 1619 tại nơi mà hiện nay gọi là Huế ,ông gặp gỡ và kết hôn với một người con gái thuộc dòng bên ngọai được Vua An Nam nhận làm con nuôi. Sotaro trở về nước với cô dâu mới, và gầy dựng một trung tâm thương mại tại Motoshikkui-machi,ở Nagasaki. Có lẽ ông là người
Nhật đầu tiên kết hôn với người nước ngoài và trở về Nhật với một công nữ con Vua, cho dù chỉ là con nuôi….”
- 6 -
Đến đây có thể tạm kết luận như sau:
Chúa Sãi có 4 người con gái được ghi vào sử sách và tiểu sử cũng khá rõ ràng. Ngoài 4 công nữ đó,Chúa còn một người con nuôi gả cho một thương nhân Nhật Bản thuộc dòng dõi võ sĩ đạo, giàu sang và có thế lực. Bà theo chồng qua sinh sống ở Nhật trong 26năm, được người Nhật ở Nagasaki quí mến. Khi bà chết, mộ bà được chôn cạnh mộ chồng ở bên trong một ngôi chùa tại Nagasaki, sau nầy con cháu đời thứ 13 đã cải táng đi đâu không rõ.
Riêng về câu “thuộc dòng bên ngọai của vua An Nam” theo thông tin từ tài liệu Nhật bản thì nếu hiểu vua An Nam chỉ Chúa Sãi thì bên ngọai đây là chỉ họ Mạc. (Thương nhân các nước ghi ghé Đàng Trong, họ xem chúa Nguyễn là vua An Nam, hơn nữa “tại nơi mà nay gọi là Huế”giúp ta hiểu vua An Nam chính là Chúa Sãi)
Chuyện của bà là một chuyện có thật và tên thật của bà là gì không còn cần thiết nữa. Đã có người gọi bà là Công nữ Ngọc Hoa, thôi thì ta hãy cứ tạm gọi bà bằng tên đó cũng được.
Chú thích:
(1)Tác giả bài viết thành thật cám ơn chị Quỳnh Chi đã giúp giải thích các từ tiếng Nhật trong bài nầy.
(2)BAVH:Bulletin des Amis du vieux Hué=Tập san của Hội Đô Thành Hiếu cổ.(cf Généalogie des Nguyen avant Gia Long, năm 1920, trang 324).
(3)Hiếu Văn hoàng hậu, tức là bà MạcThị Giai, con gái của Mạc Kính Điển,bà gọi MạcCảnh Huống là chú ruột. Con gái bà là Ngọc Liên lại lấy Nguyễn Phúc Vinh (tức Mạc Kính Vinh, con của Mạc Cảnh Huống) Vậy Ngọc Liên vừa gọi Mạc Cảnh Huống là ông chú vừa gọi là cha chồng.Chưa hết! Bà MạcThị Giai là chắt nội, cháu nội, cháu gọi bằng bác, là chị, là em của tất cả vua nhà Mạc trị vì từ 1527 đến 1625
(4)Hai phó tướng nầy được cải họ, cho mang quốc tính.
(5)Cụ Đào Trinh Nhất sinh năm 1899, con cụ Đào Nguyên Phổ,rể cụ Lương Ngọc Quyến. Cụ Đào Trinh Nhất là học giả, và là nhà báo lỗi lạc. Cụ là tác giả cuốn “Nước Nhựt Bổn-30 năm duy tân”.
Vietsciences- Thân Trọng Thủy
0 comments:
Post a Comment