Khi nhắc đến một người phụ nữ tham vọng, trong suy nghĩ của mọi người, người phụ nữ đó không có thời gian dành cho gia đình, bạn bè, khô khan, thực dụng không có cuộc sống của riêng mình. Tuy nhiên, rất nhiều người phụ nữ có tham vọng thành công trên thương trường, nhưng ẩn sâu những quyết định bản lĩnh của họ là một trái tim nhân hậu, nghị lực, bao dung. Doanh nhân Phạm Thuỳ Anh là một người như thế.
Nước mắt
Nữ doanh nhân Phạm Thuỳ Anh năm nay đã 45 tuổi. Nửa chặng đường đời đã đi qua, thế nhưng hạnh phúc riêng của chị mới bắt đầu được xây dựng và vun đắp. Quá muộn- nhiều người nghĩ thế và chị cũng vậy. Nhiều người an ủi chị đó là cái duyên cái số, nhưng chị lại nghĩ khác. Chị nghĩ quan niệm về con người, về cuộc sống trong xã hội đã khiến chị mất nhiều thời gian để khẳng định và tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình.
Hai mươi tuổi chị bước chân vào thương trường. Sinh ra trong một gia đình khó khăn lại đông anh chị em nên ngay từ nhỏ chị đã mơ ước mình trở thành bà Tiên để có thể mang đến cơm no, áo đẹp, cuộc sống sung túc cho những người thân yêu. Nhưng cuộc sống thực lấy đâu ra bà Tiên, thế là chị lao vào kinh doanh buôn bán. Đầu tiên chị chở những củ khoai củ sắn, bắp ngô của nhà trồng được đã chế biến: luộc chín thơm ngon ra thành phố bán kiếm lời. Sau đó chị mua của những người bà con trong xóm để về chế biến rồi bán lại. Năm 28 tuổi, chị đã mạnh dạn phá bỏ ngôi nhà đất của gia đình để xây 2 tầng khang trang sạch đẹp. “Ngày ấy nhà nào xây 2 tầng là được xếp vào loại giàu có. Thực ra ngày ấy buôn khoai tôi cũng không có nhiều tiền thế đâu nhưng tôi góp hội, hùn ống với bạn bè đi chợ nên mới dám mạnh dạn ứng trước xây nhà. Nhà tôi có 8 chị em gái, nếu nhà tranh vách đất thì liệu có ai dám thông gia… Nghĩ vậy nên tôi phải cố”- chị Anh kể. Xây nhà, gả chồng cho các em, một tay chị lo liệu tất. Lần lượt 7 người em của chị đi lấy chồng chị đều có cho mỗi em 1 cây vàng. “Ở quê tôi, nếu con gái đi lấy chồng mà không có vòng vàng xúng xính là bị khinh rẻ, coi thường. Chính vì lẽ đó mà tôi luôn nung nấu 1 mục tiêu là phải có đủ 7 cây vàng cho 7 cô em gái khi về nhà chồng và tôi đã làm được việc đó!”- vừa nói chị vừa tủm tỉm cười, nụ cười hạnh phúc nhưng mắt chị ướt nhèm…
Ngày ấy trai trong làng chẳng ai ngó ngàng tới chị. Họ cho rằng chị ghê gớm, tham vọng quá… chắc chỉ nghĩ đến làm ăn chứ làm gì nghĩ đến chuyện chăm lo chồng con, chăm lo cho gia đình! Nhiều lời xì xầm bàn tán, bình luận nhận xét… chị đều nghe thấy cả, nhưng chị chẳng bận tâm. Với chị, đó là ý chí vươn lên, đó là điều tốt. Năm chị 32 tuổi (năm 1997) chị quyết định từ bỏ việc buôn bán nhỏ lẻ và thành lập công ty Lương thực xuất khẩu VinaBMV để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Những ngày đầu mới thành lập với chị muôn vàn khó khăn. “Thiếu vốn, thiếu nhân công, thiếu cả hiểu biết nên tôi như một người mù đi giữa phố đông”- chị hài hước kể.
Ban ngày, chị tự tay chọn nguyên liệu, giám sát chế biến, buổi tối chị theo học lớp bổ túc văn hoá, rồi tại chức kinh tế. Bây giờ với tấm bằng Thạc sĩ quản lý kinh doanh chị đang dần khẳng định vị thế của mình và khẳng định thương hiệu VinaBMV. “Từ chỗ có mình mình với cái bếp than, bây giờ công ty có cả nghìn người với những dây chuyền sản xuất hiện đại… sản phẩm phong phú đa dạng từ cháo, bún, miến đến rau củ quả sấy khô… đều được xuất ngoại hết… tôi vẫn một mình. Từ lúc khó khăn nhất đến khi hạnh phúc nhất tôi vẫn chẳng thể chia sẻ cùng ai.
Khát khao hạnh phúc
Mãi tận khi đã ngoài 40 tuổi tôi mới được biết cảm giác được ‘chở che”. Anh ấy là một doanh nhân thành đạt. Anh ấy tôn trọng và đánh giá cao mẫu phụ nữ tham vọng. Và tôi đã có cơ hội nằm trọn vẹn trong trái tim anh ấy!”- chị tâm sự.
Chị kết hôn khi bước vào tuổi 43. Hạnh phúc muộn màng nhưng tròn đầy vì anh hiểu những khó khăn vất vả mà chị đã trải qua, anh tình nguyện dành tất cả thời gian còn của cuộc đời lại để bù đắp, để sẻ chia với người phụ nữ đầy cá tính ấy.
Thương mình, thương cho cả những người phụ nữ giỏi giang tháo vát, nữ doanh nhân Phạm Thùy Anh tâm sự, “những người phụ nữ mà chỉ có một sự lựa chọn là sự nghiệp, gia đình không phải là cái mà họ không muốn vươn tới, đấu tranh để đạt được, nhưng quan niệm xã hội, tư tưởng của cánh đàn ông không muốn có một người vợ giỏi hơn mình làm cho những người phụ nữ càng khó khăn hơn để đạt được thành công thực sự. Nhiều người đàn ông đã nói, với những phụ nữ cá tính và tham vọng, có thể yêu nhưng không thể lấy, đàn ông muốn lấy cho mình một người vợ mà mình có thể chở che, bảo vệ, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho người mà mình trọn đời chung sống. Có những người phụ nữ hằng đêm khóc thầm, trong đêm tối họ đối mặt với phần khuất trong tâm hồn, phần yếu đuối mà khi bắt đầu một ngày làm việc, một chiến trường với đầy rẫy những sự cạnh tranh và bon chen. Liệu có ai trong số những người đàn ông ấy biết và thấu hiểu phần khuất trong tâm hồn và trái tim những người phụ nữ ấy? Liệu có ai từng nghĩ rằng họ cũng là phụ nữ, cũng khao khát một gia đình, một mái ấm mà nơi đó họ được che chở, ôm ấp và bảo vệ…???”
Người diễn viên giỏi là người biết hóa thân vào nhân vật. Nhưng, khi rời sân khấu, họ trở lại với đời sống thật của mình. Người phụ nữ hạnh phúc và thành đạt là người đảm đương tốt những vai trò trong cuộc sống. Buồn, vui, sướng, khổ vốn là những điều rất thật của cuộc đời. Người hạnh phúc là người được thể hiện hết những gì mình cảm nhận. Họ có thể che giấu được cảm xúc của mình với người khác, nhưng không thể lừa dối được chính mình và chị cũng vậy. Những khi thất bại, tưởng như không thể nào gượng nổi. Những lúc như thế, chị cũng định buông xuôi, nhưng lại càng phải gồng lên để bảo vệ danh dự và nhân cách của mình. Chỉ có khi đêm về, khi chỉ có một mình thì mình lại lặng thầm khóc trong bóng tối. Lúc ấy mới thấm thía nỗi cô đơn. Người phụ nữ, cho dù có mạnh mẽ đến mấy cũng có những lúc yếu mềm, có những lúc chị định buông xuôi, kệ cho người đời muốn nghĩ gì thì nghĩ… Nhưng cuối cùng, lòng kiên định của chị đã thắng. Chị nói: Cho đến hôm nay, khi mình vẫn ngồi đây, vẫn làm việc, chị muốn chứng minh một sự thật rằng những người phụ nữ có thể làm được rất nhiều việc, chứ không phải chỉ dùng nhan sắc để đạt được mục đích như người đời ác miệng.
Là một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, sau nhiều năm sống và lăn lộn trên thương trường, chị nghiệm ra một điều tuy có phần chua chát: phần đông những người phụ nữ thành đạt trong kinh doanh đều không có được hạnh phúc trọn vẹn. Bởi làm kinh doanh là phải hi sinh nhiều, phải đi biền biệt, tiếp khách liên miên. Mà không người đàn ông nào trên đời này muốn vợ của mình như vậy. Ai cũng có cái ích kỷ của riêng mình. Chính vì thế, doanh nhân nữ cũng thiệt thòi nhiều. Sau mỗi ngày mệt mỏi ở công ty, bước về nhà, nữ doanh nhân nào cũng chỉ ước ao có được một lời hỏi han bình dị: “Em có mệt không…?” thì tất cả mọi áp lực hay mệt mỏi trong ngày đều tan biến hết. “Mong rằng các nữ doanh nhân nhận được sự cảm thông và chia sẻ nhiều hơn từ mọi người, nhất là những người đàn ông. Những người phụ nữ có sự nghiệp, họ thành đạt, bản thân họ đã phải hi sinh quá lớn, họ không muốn chút nào đâu. Thực sự là rất khó khăn với người phụ nữ muốn có được cả hạnh phúc lẫn sự nghiệp. Nhưng với chị, cuối cùng, khi đã dốc kiệt sức mình cho sự nghiệp, giờ đã có người đàn ông bên cạnh yêu thương. Âu cũng là món quà xứng đáng mà cuộc sống dành tặng cho chị – người phụ nữ nghị lực, bản lĩnh và rất đỗi nhân hậu mà tôi ngưỡng mộ.
Thanh Thanh
theo: http://phaply.net.vn
0 comments:
Post a Comment