kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Saturday, April 21, 2012



Đầu Xuân nói về tư tưởng trọng học của Khổng Tử

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu
Trường Đào tạo PTNNL VietinBank


Trong lịch sử Trung Quốc, Khổng Tử có thể coi là người khai sinh ra trường phái Nho Giáo - dòng đạo được coi là không có môn đồ chính thức nhưng có nhiều tín đồ bởi tính khoa học, tính thẩm mỹ và tính hướng thiện xuyên suốt qua nhiều thời đại. Nhiều tư tưởng giáo dục của Khổng Tử đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tư Mã Thiên đã đánh giá Khổng Tử  như sau: “Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc Chí Thánh vậy” (Sử ký- Khổng Tử thế gia).
Tư tưởng bao trùm của Khổng Tử là hết sức đề cao việc học tập. Theo Ông, làm ruộng cũng phải học, làm quan cai trị càng phải học. Tư tưởng này đối lập hẳn với tư tưởng “vô vi” của Lão Tử (nhà tư tưởng cùng thời). Lão Tử chủ trương “bỏ thánh hiền, vứt trí tuệ”, “bỏ học, không suy tư”. Ông chủ trương một lối giáo dục “dạy bằng cách không nói gì cả”. Về tranh luận học thuật, ông quan niệm “Người giỏi không tranh biện, người hay tranh biện là người không giỏi”.
 
Xã hội phong kiến thời Trung Hoa cổ đại tồn tại song song nhiều hệ tư tưởng. Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm của lịch sử, tính chân lý của Nho học ngày càng hiện hữu. Thời Xuân Thu Chiến quốc (TCN), Nho học đã trở thành Đạo Nho với cả một hệ thống vũ trụ quan, nhân sinh quan (Kinh Dịch), hệ thống tri thức văn hoá dân gian (Kinh Thi), lý luận và biện pháp tổ chức xã hội (Kinh Lễ), tri thức lịch sử (Kinh Thư). Tuy nhiên, phải tới gần 500 năm sau, học thuyết Nho giáo mới giành được địa vị độc tôn dưới thời Hán Vũ Đế (140 – 86 TCN). Nhiều khía cạnh tư tưởng của nho học vẫn còn lưu truyền và phát huy đến tận ngày nay.
Có được sự trường tồn đó, trước hết phải nói đến tinh thần đam mê học hỏi và thái độ nghiêm túc đối với việc học của Khổng Tử. Ông nói: “Ta đi học là học cho ta, để gây cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình”. Theo Ông, đã không học thì thôi chứ đã học là phải “học cho rộng, hỏi cho kỹ; nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng tỏ, làm cho hết sức. Có điều không học nhưng đã học điều gì thì phải học cho kỳ được. Có điều không hỏi, nhưng khi đã hỏi điều gì thì phải hỏi cho thật hiểu. Có điều không nghĩ nhưng đã nghĩ điều gì thì phải nghĩ cho ra. Có điều không phân biệt nhưng đã phân biệt điều gì thì phải phân biệt cho minh bạch. Có điều không làm nhưng đã làm điều gì thì phải cố hết sức mà làm cho bằng được… Nếu quả theo được đạo ấy thì tuy ngu mà cũng thành sáng, yếu đuối rồi cũng thành ra khoẻ mạnh”.
Khổng Tử cho rằng, mọi người đều cần phải học, có học mới có thể biết rõ được thế nào là: Nhân, trí, tín, trực, dũng, cương. Ông nói: “Muốn nhân mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngu, muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cao kỳ, muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa, muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh, muốn dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ là loạn, muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo khinh suất”.
Về phương pháp dạy và học, Khổng Tử cũng có những quan điểm hết sức biện chứng. Theo Ông: trước hết dạy những điều mà mọi người có thể hiểu được, đó là những luân thường đạo lý rồi sau đó mới nói những điều cao xa. Thường thì những điều cao xa, khó hiểu thì phải tự mình học mà lĩnh hội chứ không phải giảng rõ ra nhiều lời. Còn những người đã không thể biết thì càng nói lắm lại càng làm cho người ta mờ tối đi. Không nói mà dạy được là muốn học trò tự suy nghĩ lấy hơn là đợi thầy giảng mà không hiểu. Dạy điều gì cũng để cho học trò phải cố sức suy nghĩ tìm tòi lấy, khi nào đã gần hiểu nhưng chưa thông suốt được lý lẽ, hoặc chưa diễn giải được rõ ràng thì mới chỉ bảo cho. Người đi học không có gắng suy nghĩ kỹ các vấn đề đã học thì dù có dạy cũng không ích gì. Hơn nữa đi học thì phải cố gắng liên tục, nếu không việc học sẽ không có kết quả. Không tức giận vì không nói rõ ra được thì không bày vẽ cho. Vật có bốn góc bảo cho biết một góc mà không suy ra ba góc kia thì không dạy nữa…
Cũng theo Ông: nếu mù quáng tin tuyệt đối vào sách thì thà coi như không có sách. Thông tin do sách cung cấp là loại thông tin gián tiếp cho nên đọc sách phải xem xét, suy ngẫm cẩn thận để tìm ra cái đúng, cái sai chứ không phải sách là đúng hoàn toàn. Quy trình học của Ông là học – suy nghĩ - tập  - hành. “Học mà không nghĩ thì mờ tối chẳng hiểu gì, nghĩ mà không học thì khó nhọc mất công không”. Học theo sách vở rồi đến tập. Tập là kiểm tra bằng việc làm những điều đã học. Có tập mới biết được những điều đã học là đúng, sai, đầy đủ hay thiếu sót. Hơn nữa, học mà có tập thì mới nhớ lâu. Học mà tập luôn, tập nhiều sẽ làm cho học trò nhanh chóng thạo việc. Sau học, sau tập rồi đến hành. Hành là hành nghề mình đã học tập được để làm. Khi đã hành vẫn phải tiếp tục học để hiểu biết sâu sắc hơn, phát triển những điều mình đã học ở tầm cao hơn.
Như vậy có thể nói phương châm chính của Khổng Tử chính là “học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Học và dạy đều cần có phương pháp và ai cũng đều phải học mới có thể cải thiện được chính bản thân và làm tiến bộ xã hội.
Ngẫm lại những triết lý trọng học của Khổng Tử mới thấy được hết ý nghĩa sâu xa về tinh thần vọng học của Ban Lãnh đạo VietinBank thể hiện qua hành động cung  tiến chuông đồng hơn 1,9 tấn vào năm 2009 cho Văn miếu Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam và cũng là nơi đặt tượng thờ Khổng Tử - nhà giáo dục bậc thầy của mọi thời đại./.
ps:Đọc xong bài viết mình chợt nhớ đến một câu nói: Một học trò đi học không tập trung tiếp nhận kiến thức mà cứ cố chứng tỏ ta đây thông minh hơn kẻ khác thì làm sao mà giỏi được.

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts