kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Thursday, January 6, 2011

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 52/2010/QH12 ngày 10 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011;
Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện năm 2011 và phân công cơ quan quản lý, triển khai thực hiện Chương trình như sau:
1. Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm.
a) Mục tiêu:
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn;
- Hỗ trợ tạo việc làm và phát triển thị trường lao động, đặc biệt ở khu vực nông thôn và khu vực phi chính thức.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: đổi mới và phát triển dạy nghề;
- Dự án 2: đào tạo nghề cho lao động nông thôn;
- Dự án 3: vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm;
- Dự án 4: hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng;
- Dự án 5: hỗ trợ phát triển thị trường lao động;
- Dự án 6: nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá chương trình.
c) Phân công quản lý và thực hiện chương trình:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
2. Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo.
a) Mục tiêu:
Tạo cơ hội phát triển để người nghèo, hộ nghèo ổn định và đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập, vượt qua nghèo đói, vươn lên khá giả, giàu có; tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân ở các vùng nghèo; giảm thiểu tình trạng gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và mức sống giữa các vùng miền và các nhóm dân cư.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;
- Dự án 2: nhân rộng mô hình giảm nghèo;
- Dự án 3: hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình.
c) Phân công quản lý và thực hiện chương trình:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
3. Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
a) Mục tiêu:
Thực hiện chiến lược quốc gia cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020; nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn thông qua cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: cấp nước sinh hoạt nông thôn;
- Dự án 2: vệ sinh nông thôn;
- Dự án 3: cải thiện môi trường nông thôn;
- Dự án 4: nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, thể chế và phát triển công nghệ về cấp nước và vệ sinh nông thôn.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, điều hành và tổng hợp chung toàn bộ tình hình thực hiện Chương trình; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện dự án 1, dự án 3 và dự án 4.
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện dự án 2.
4. Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế
a) Mục tiêu:
Chủ động phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm. Giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết do một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm góp phần thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: phòng, chống các bệnh lây nhiễm (bệnh lao, bệnh phong, bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết);
- Dự án 2: phòng, chống các bệnh không lây nhiễm (bệnh ung thư, bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, bệnh phổi tắc nghẽn và mãn tính);
- Dự án 3: tiêm chủng mở rộng;
- Dự án 4: chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em;
- Dự án 5: quân dân y kết hợp;
- Dự án 6: y tế học đường;
- Dự án 7: an toàn truyền máu.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
5. Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình.
a) Mục tiêu:
- Chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý để quy mô dân số sớm ổn định trong khoảng 115 – 120 triệu người vào giữa thế kỷ 21;
- Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: truyền thông chuyển đổi hành vi;
- Dự án 2: đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình;
- Dự án 3: nâng cao chất lượng giống nòi;
- Dự án 4: nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chương trình;
- Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
6. Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm.
a) Mục tiêu:
Nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương đủ năng lực quản lý và điều hành các hoạt động đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Dự án 2: thông tin giáo dục truyền thông bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Dự án 3: tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Dự án 4: phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm;
- Dự án 5: bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản;
- Dự án 6: bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành công thương.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
- Bộ Y tế quản lý, điều hành và tổng hợp chung toàn bộ tình hình thực hiện Chương trình; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện dự án 1, dự án 2, dự án 3 và dự án 4.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện dự án 5.
- Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện dự án 6.
7. Chương trình mục tiêu quốc gia Văn hóa.
a) Mục tiêu:
- Nâng cao nhận thức của toàn dân, các cấp, các ngành, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực, là nhân tố góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Bảo tồn di sản văn hóa gắn chặt chẽ và phục vụ tốt việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước; ngăn chặn nguy cơ xuống cấp của các di tích, sự mai một của văn hóa phi vật thể;
- Xóa các điểm trắng về văn hóa, xây dựng những điểm sáng về văn hóa trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống tinh thần.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích;
- Dự án 2: sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc;
- Dự án 3: bảo tồn một số làng, bản tiêu biểu và lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc ít người;
- Dự án 4: tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo;
- Dự án 5: cấp các trang thiết bị và sản phẩm văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuyến biên giới, hải đảo;
- Dự án 6: hỗ trợ phát triển điện ảnh.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
8. Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và đào tạo.
a) Mục tiêu:
- Thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi, duy trì kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, thực hiện phổ cập trung học cơ sở đúng độ tuổi;
- Hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng khó khăn có điều kiện đến trường;
- Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hoàn thiện chương trình và tài liệu phục vụ học tập;
- Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân;
- Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất trường học.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: hỗ trợ phổ cập mầm non 5 tuổi, xóa mù chữ và chống tái mù chữ, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi và hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học;
- Dự án 2: đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục;
- Dự án 3: tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân;
- Dự án 4: hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn;
- Dự án 5: tăng cường năng lực đào tạo các cơ sở giáo dục.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
9. Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống ma túy.
a) Mục tiêu:
Đấu tranh làm giảm tội phạm ma túy và nguồn cung cấp chất ma túy; kiềm chế và giảm người nghiện ma túy.
b) Các đề án thành phần:
- Đề án 1: tăng cường năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy;
- Đề án 2: nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và nghiên cứu, thẩm định, triển khai ứng dụng, đánh giá các loại thuốc, phương pháp y học trong điều trị, phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy;
- Đề án 3: phòng, chống ma túy trong trường học;
- Đề án 4: tăng cường quản lý và kiểm soát tiền chất;
- Đề án 5: xây dựng xã, phường, thị trấn, khu dân cư không có tệ nạn ma túy;
- Đề án 6: xóa bỏ việc trồng và tái trồng cây có chất ma túy;
- Đề án 7: thu thập, quản lý hệ thống dữ liệu và xử lý thông tin về tình hình ma túy trong công tác phòng, chống ma túy;
- Đề án 8: thông tin tuyên truyền phòng, chống ma túy; tăng cường hợp tác quốc tế; quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
10. Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống tội phạm.
a) Mục tiêu:
Giữ vững kỷ cương pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật trong cộng đồng dân cư, trong nhà trường, gia đình và toàn xã hội; nâng cao nhận thức của toàn dân về phòng, chống tội phạm, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nếp sống và làm việc theo pháp luật; làm chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; chủ động tấn công trấn áp, truy quét các loại tội phạm tập trung ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp; kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng, phát triển của tội phạm, tiến tới làm giảm tội phạm nói chung và làm giảm cơ bản các loại tội phạm nghiêm trọng nói riêng.
b) Các đề án thành phần:
- Đề án 1: thông tin, tuyên truyền toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư;
- Đề án 2: đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính chất quốc tế;
- Đề án 3: đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên;
- Đề án 4: đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao;
- Đề án 5: xây dựng Trung tâm thông tin về tội phạm;
- Đề án 6: tăng cường năng lực cơ quan quản lý Chương trình và cơ quan điều tra các cấp trong điều tra khám phá các loại án hình sự về kinh tế và trật tự xã hội;
- Đề án 7: nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
11. Chương trình mục tiêu quốc gia Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
a) Mục tiêu:
Phấn đấu tiết kiệm từ 5% đến 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo hiện nay về phát triển năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội theo phương án phát triển bình thường trên cơ sở hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện phổ biến rộng rãi các trang thiết bị có hiệu suất cao để thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp và tiến tới xóa bỏ công nghệ lạc hậu; khai thác tối đa năng lực của phương tiện, thiết bị, giảm thiểu mức tiêu thụ nhiên liệu trong giao thông vận tải, triển khai thí điểm mô hình sử dụng nhiên liệu thay thế và hạn chế lượng phát thải của các phương tiện giao thông, bảo vệ môi trường.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường;
- Dự án 2: phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp;
- Dự án 3: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp;
- Dự án 4: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà;
- Dự án 5: thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
12. Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu.
a) Mục tiêu:
Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: đánh giá mức độ biến đổi khí hậu, xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
- Dự án 2: xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu;
- Dự án 3: tăng cường năng lực cho các hoạt động liên ngành về biến đổi khí hậu;
- Dự án 4: nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực;
- Dự án 5: xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu,
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
13. Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
a) Mục tiêu:
Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
b) Các dự án thành phần và phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn một số nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới được phê duyệt theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện trong năm 2011 trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong năm 2009 – 2010.
14. Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS.
a) Mục tiêu
Tiếp tục thực hiện mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng HIV/AIDS;
- Dự án 2: giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV;
- Dự án 3: hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;
- Dự án 4: tăng cường năng lực cho các Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
15. Chương trình mục tiêu quốc gia Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
a) Mục tiêu:
Chương trình xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở nhằm rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin, tuyên truyền giữa các vùng miền; tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người.
b) Các dự án thành phần:
- Dự án 1: tăng cường năng lực cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở.
- Dự án 2: tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở;
- Dự án 3: tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
c) Phân công quản lý, thực hiện Chương trình:
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Thông báo vốn đầu tư năm 2011 của từng Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 22 tháng 12 năm 2010 cho các cơ quan quản lý Chương trình phân bổ cụ thể;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát nội dung, tổng hợp tiêu chí, định mức và phương án phân bổ vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông báo mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản và vốn năm 2011 của từng Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) cho các Bộ, ngành, địa phương trước ngày 31 tháng 01 năm 2011;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2011 tổng kết toàn diện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 và đề xuất Danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
2. Bộ Tài chính:
- Thông báo vốn sự nghiệp năm 2011 của từng Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 22 tháng 12 năm 2010 cho các cơ quan quản lý Chương trình phân bổ cụ thể;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát nội dung, tiêu chí, định mức và phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011;
- Sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông báo dự toán chi các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 cho các Bộ, ngành, địa phương trước ngày 31 tháng 01 năm 2011.
3. Cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia:
- Chủ trì xây dựng nội dung, tiêu chí, định mức và phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 (bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 27 tháng 12 năm 2010 để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ;
- Hướng dẫn nghiệp vụ và triển khai các hoạt động của Chương trình thực hiện năm 2011 cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2011 tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia được giao quản lý, điều hành trong giai đoạn 2006 – 2010 và đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước tháng 6 năm 2011 để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
4. Cơ quan thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở Trung ương và địa phương:
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia:
- Phân bổ và giao dự toán chi Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc trước ngày 28 tháng 02 năm 2011;
- Phối hợp với các Cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2011 tổng kết việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 – 2010 và đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Xây dựng phương án phân bổ dự toán chi các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp có ý kiến trước khi thực hiện trước ngày 28 tháng 02 năm 2011 và báo cáo Hội đồng nhân dân trong kỳ họp gần nhất;
- Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo quy định;
- Chỉ đạo việc tổng kết thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2006 – 2010 trong năm 2011, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia trước tháng 4 năm 2011.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, NC, ĐP, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts